by JAYbranding.com

3 gợi ý cho chiến lược video marketing năm 2019 từ chuyên gia của Google

Mục lục

Video được sử dụng trong marketing vốn chỉ để… xem. Nhưng năm 2018 đã chứng kiến sự thay đổi trong hình thức thể hiện và cách thức ứng dụng hình thức tiếp thị này trong chiến lược marketing của nhiều thương hiệu. 

Từ những phân tích về lý do dẫn đến sự thay đổi xu hướng sử dụng video marketing trong năm 2018, Megan Haller – chuyên gia video marketing của Google đưa ra những gợi ý để doanh nghiệp xây dựng chiến lược video marketing nhằm tối ưu hóa hiệu quả tiếp thị trong năm 2019.

Lý do video marketing thay đổi trong năm 2018

Video đang là một công cụ hữu hiệu cho quảng cáo, nhưng gần đây, sức mạnh của video marketing đang bị giới hạn bởi mong muốn gia tăng độ phủ đại chúng, nhận thức thương hiệu của các marketer. Với những marketer tìm kiếm những hành động cụ thể, như một cú nhấp chuột, một đăng ký nhận thông tin, một đơn hàng thành công, thì email và chiến lược SEO là những kênh tiếp thị được ưu tiên nhiều hơn.

Song trong năm 2018, nhiều chiến lược video marketing đã xuất hiện trong các trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Cụ thể, các thương hiệu dùng video quảng cáo để điều hướng nhận thức của khách hàng sang hành động tương tác cụ thể.

Nếu video quảng cáo hướng dần đến mục tiêu thu hút tương tác cụ thể từ người xem trong năm 2018, thì đó là vì video marketing nằm trong một chiến lược lớn liên quan đến hành vi của người tiêu dùng. Một nghiên cứu về UX trên Youtube  vào năm 2018 đã cho thấy, trái ngược với quan điểm phổ biến, đa số người xem video mong muốn có được một tương tác nào đó với video vừa xem.

Ngoài ra, lý do thứ hai dẫn đến sự thay đổi trong chiến lược video marketing chính là việc các nền tảng trực tuyến đang ngày càng phát triển theo hướng đáp ứng những hành vi mới từ người tiêu dùng. Như quản lý sản phẩm của Youtube – Nicky Rettke đã giải thích vào đầu năm 2018 rằng “Trong lịch sử, các quảng cáo video không được thiết kế theo hướng tạo ra hành động tương tác cụ thể, không được tối ưu hoá hay đo lường những phản hồi theo mục tiêu đề ra. Cách duy nhất một ai đó có thể “hành động” với một video chính là xem video đó”.

Năm 2018, điều này đã thay đổi. Trên Youtube bắt đầu xuất hiện những định dạng video mới như TrueView với những tính năng cho phép marketer bắt đầu tối ưu hoá video theo một hành động cụ thể của người xem, như đăng ký dịch vụ hoặc mua hàng.

Ba gợi ý cho chiến lược video marketing năm 2019

Vậy làm sao các thương hiệu có thể điều chỉnh chiến lược video marketing trong năm 2019 theo hướng thay đổi này, và tận dụng những điều chỉnh công nghệ để đáp ứng hành vi mới của người tiêu dùng? Dưới đây là ba bí quyết, đã được một số thương hiệu áp dụng thành công, có thể giúp bạn khởi đầu một chiến lược video marketing mới.

1. Chạm đến nhu cầu người xem để khuyến khích hành động

Theo Viện Marketing Mỹ, một người Mỹ trung bình tiếp nhận 10.000 thông điệp đến từ các thương hiệu mỗi ngày. Vậy làm sao bạn có thể bước qua những tiếng ồn này và đảm bảo được sự nổi bật cho quảng cáo video của bạn? Ngoài ra, quảng cáo ấy còn điều hướng một hành động cụ thể từ người dùng? Tất cả đều bắt nguồn từ nhu cầu khách hàng.

Lấy Yoox Net-A-Porter, một trong những cửa hàng bán sản phẩm cao cấp lớn nhất thế giới làm ví dụ. Doanh nghiệp này biết rằng khách hàng của họ là những người mua tích cực, những người đánh giá cao những trải nghiệm đặc sắc. Vì vậy, thương hiệu này đã tạo ra một chiến dịch video pre-roll (video phát một thông điệp trước khi khách hàng xem một nội dung đã chọn) mời chào người xem cơ hội mua một sản phẩm độc đáo. Người dùng có 25 giây trước khi quảng cáo kết thúc để bấm vào link chèn trong video để truy cập trực tiếp đến trang đích, nơi họ có thể thanh toán cho sản phẩm đặc biệt ấy. Nếu họ bỏ qua thì lời mời sẽ không xuất hiện lại nữa. Cảm giác bị giới hạn thời gian đã thúc đẩy khách hàng hành động và kết quả là thương hiệu này đã đạt được một lượng lớn doanh số bán hàng trong suốt mùa mua sắm cao điểm.

2. Chạm đúng đối tượng khách hàng 

Bạn có thể có những quảng cáo vô cùng sáng tạo, có khả năng thúc đẩy hành động cao, nhưng nếu bạn không chuyển quảng cáo ấy đến đúng người, thì quảng cáo ấy sẽ không thể nào đạt được mục tiêu phản hồi trực tiếp cao từ người tiêu dùng.

Vì vậy, trong năm 2019, hãy tham khảo trường hợp của Overstock.com. Trong chiến dịch video marketing năm 2018, nhà bán lẻ trực tuyến sản phẩm gia dụng và nội thất đã kết hợp sự sáng tạo thương hiệu với các hình thức đo lường hiệu quả, như đặt các nút “Mua ngay” hay các nút kêu gọi hành động khác trên một quảng cáo có thể đưa người xem trực tiếp đến website Overstock.

Đội ngũ marketing sau đó đã dùng các công cụ phân loại người xem của Youtube để đưa quảng cáo đến người xem đã từng bấm vào một trong những quảng cáo xuất hiện trên trang tìm kiếm liên quan đến sản phẩm của họ trước đây. Khi người xem đã từng bày tỏ hứng thú với sản phẩm của công ty, chiến dịch này đã mang về doanh thu cao gấp 3 lần so với các chiến dịch quảng cáo trước đó.

3. Lặp lại thông điệp trên nhiều định dạng khác nhau, trong suốt hành trình trải nghiệm của người dùng

Khi đội ngũ Google Pixel thử nghiệm một chiến dịch video marketing xuyên suốt hành trình trải nghiệm của khách hàng trong năm 2018, họ đã thu được một điều vô cùng quan trọng. Đó là “lặp lại thông điệp là cách tốt nhất và nhanh nhất để đưa một người xem đi từ nhận thức đến hành động”, Jabari Hearn – người quản lý chiến dịch của Pixel cho biết.

Để đạt được mục tiêu đề ra, đội ngũ Pixel đã phát triển một chiến lược video marketing có thể tích hợp thông điệp của thương hiệu trên nhiều định dạng khác nhau, nhằm chạm đến người dùng ở đa dạng kênh tương tác. Chiến dịch bắt đầu với một quảng cáo trên Youtube, nhằm chạm đến số đông người xem và khơi gợi một cuộc thảo luận về Pixel. Với những người đã từng xem quảng cáo này và truy cập vào trang của Pixel trên Google Store, hãng phát đi những đoạn quảng cáo dài 6 và 15 giây. Cuối cùng, với những người dùng bắt đầu tìm kiếm thông tin thêm về Pixel, đội ngũ marketing triển khai những quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, những quảng cáo này có nhiệm vụ đưa người dùng về lại trang sản phẩm của Pixel.

Chiến dịch này đạt hiệu quả ở cả phương diện nhận thức thương hiệu lẫn mục tiêu doanh số. Cụ thể, nhận thức về thương hiệu đã tăng 20% và tỷ lệ nhấp chuột đến trang thanh toán tăng 113% so với các chiến dịch trước đó.

Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *